Trong những ngày tháng sống chung với cái nóng lên đến 40 độ C như hiện nay thì điều hòa là một vật dụng không thể thiếu trong mỗi gia đình cũng như các không gian công cộng trong nhà. Tuy nhiên, rất nhiều người lại gặp phải tình trạng dở khóc dở cười khi dù bật điều hòa cả ngày nhưng vẫn không thấy mát hơn là bao, hoặc phải đợi rất lâu mới cảm nhận được không khí lạnh dù đã để mức nhiệt độ thấp nhất.
Nếu bạn cũng nằm trong số những người đen đủi trên thì xin chia buồn, rất có thể bạn đã phạm phải một trong sai lầm cơ bản dưới đây:
1. Điều hòa quá tải vì phải hoạt động liên tục ở mức nhiệt độ thấp
Không ít người trong chúng ta có thói quen bật điều hòa từ tối và để cả đêm với mức nhiệt độ thấp nhất (16-18 độ C). Tuy nhiên, nếu duy trì trong một thời gian dài, điều này sẽ khiến cho điều hòa bị quá tải, hoạt động trì trệ, không thể làm mát nhanh, hỏng linh kiện bên trong và thậm chí là gây ra cháy nổ nếu quá nóng.
Trong thực tế, chúng ta chỉ cần bật điều hòa trong vòng từ 1-2 tiếng trước khi đi ngủ là đã quá đủ để có một đêm ngon giấc. Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng chỉ nên sử dụng điều hòa ở mức 26 độ C để vừa giúp hạ nhiệt cơ thể, vừa tiết kiệm tiền điện lại đảm bảo sức khỏe cho bản thân bạn. Bạn cũng có thể kết hợp điều hòa với quạt máy để quá trình lưu thông khí mát diễn ra nhanh hơn với phạm vi rộng hơn.
2. Vị trí lắp đặt điều hòa chưa hợp lý
Nếu bạn hy vọng việc lắp đặt điều hòa ở những góc phòng nóng (do bị ánh nắng trực tiếp chiếu vào) sẽ giúp làm mát nhanh hơn, thì bạn lầm to rồi! Thiết kế này khiến cho điều hòa buộc phải làm mát góc tường nóng trước, rồi sau đó mới bắt đầu thổi khí lạnh ra những khu vực khác trong phòng. Nói cách khác, điều hòa sẽ phải hoạt động nhiều hơn, mạnh hơn mà hiệu quả lại không thực sự như mong đợi.
Ngoài ra, khi lắp điều hòa đối diện với hướng gió thổi, bất kể là gió tự nhiên hay là gió từ quạt điện, cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình làm mát. Gió thổi ngược chiều sẽ gây ra hiện tượng tản hơi và triệt tiêu hơi lạnh từ điều hòa, buộc điều hòa phải làm việc nhiều hơn.
Giải pháp cho vấn đề này thì khá đơn giản, chỉ cần bạn điều chỉnh lại vị trí của điều hòa về các góc phòng mát, tránh để gần cửa sổ hay những nơi mà ánh nắng chiếu vào. Nếu sử dụng kết hợp điều hòa với quạt máy như đã nêu trên, hãy bố trí sao cho hướng gió từ quạt vuông góc với hướng hơi lạnh của điều hòa là hiệu quả nhất.
3. Công suất điều hòa không phù hợp với nhu cầu người dùng
Mỗi căn phòng của chúng ta đều có thiết kế, diện tích, thể tích và vật liệu xây dựng khác nhau. Mặt khác, số lượng người dùng và tần suất sử dụng điều hòa cũng chẳng giống nhau. Vì thế, đôi khi sẽ xảy ra những trường hợp điều hòa không đủ công suất để đáp ứng nhu cầu của người dùng, đặc biệt là khi phòng quá rộng hoặc có quá nhiều người.
Khi lắp đặt điều hòa, bạn có thể áp dụng mẹo cộng/trừ thêm 5-10 m3/công suất để lựa chọn loại điều hòa phù hợp nhất với thể tích phòng của mình. Tuy nhiên, để đảm bảo điều hòa phát huy tối đa công dụng, hãy tham khảo thật kỹ ý kiến từ các chuyên gia hoặc những người có kinh nghiệm trước khi quyết định “mở hầu bao” nhé.
4. Không thường xuyên vệ sinh, bảo dưỡng điều hòa
Điều hòa, hay bất cứ thiết bị điện tử, điện lạnh nào cũng vậy, đều cần được bảo dưỡng, thay linh kiện sau một thời gian sử dụng. Nếu để quá lâu, các tấm lọc khí của điều hòa sẽ bị bám bụi bẩn dày đặc, cản trở quá trình lưu thông không khí, dẫn đến hậu quả là bật mãi mà không thấy mát. Ngoài ra, điều hòa cũng không thể làm lạnh nếu như thiếu gas do các mối hàn của hệ thống dẫn gas bị rò rỉ sau vài năm sử dụng.
Vì vậy, hãy thường xuyên kiểm tra, lau chùi để điều hòa phát huy tác dụng cao nhất. Nếu bạn không chắc chắn, hãy liên hệ với đội ngũ hỗ trợ kĩ thuật có chuyên môn để tiến quá trình bảo dưỡng diễn ra an toàn và nhanh chóng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.